a mindful minimal

View Original

3 cách giúp bạn kết nối sâu với phiên bản tốt nhất của mình. Kèm hướng dẫn chi tiết.

Ảnh: Canva.

Tiêu điểm bài viết:

  • Trước khi tìm thấy phiên bản tốt nhất của mình, chúng ta cần kết nối được với phiên bản hiện tại. Vì phiên bản hiện tại là con đường duy nhất.

  • Có vô số phương pháp từ khoa học đến tâm lý học có thể kích hoạt được tiềm năng ẩn giấu bên trong bạn. Điều bạn cần là phải thử lần lượt những phương pháp này và theo dõi xem phương pháp nào là thật sự thích hợp với mình.

  • Không có phương pháp nào áp dụng một lần là thành công. Tất cả đều cần sự kiên trì và nhất quán.


Trong hành trình chữa lành của mình, điều Mit biết ơn nhất đó là tìm thấy sức mạnh thật sự của bản thân cũng như hiểu sâu những điểm yếu và nhạy cảm nhất trong tâm hồn mình - điều chi phối thái độ của Mit lên cuộc sống này. 

Mit nhận ra rằng để kết nối với phiên bản tốt nhất của mình thì điều đầu tiên mình cần hiểu không phải là những điểm mạnh, mà chính là điểm yếu nhất. Những điểm nhạy cảm trong tâm hồn khiến mình trở nên xù gai nhím lên để bao bọc cái tôi bên trong mỗi khi gặp phải bất kỳ chướng ngại nào trong cuộc sống. Chỉ cần nhận thức đúng về những điểm yếu này thì ắt bạn sẽ có thể chuyển bại thành thắng. 

Nhưng bạn cần lưu ý phân biệt những điểm yếu ở đây là tự thân bên trong, không phải là từ môi trường bên ngoài. Cụ thể như bạn là một người nhạy cảm, rất dễ nước mắt khi ai đó chạm đến tự ái của bạn hoặc bạn là người nóng tính và dễ dàng tuôn ra những lời làm tổn thương người khác… Những điểm yếu ở đây không được tính đến như gia cảnh nghèo khó, môi trường sinh sống không lành mạnh, cha mẹ không yêu thương… Hơn nữa, bạn nhớ là điểm yếu không phải là mặc cảm, đó chỉ là những điều mà bạn cần phải thay đổi dần để trở nên mạnh mẽ hơn, lúc đó phiên bản tốt nhất của bạn sẽ xuất hiện.

Bài viết này được viết dựa trên những trải nghiệm tự chữa lành của Mit, cộng với các nghiên cứu từ tâm lý học và phật học để chọn lọc ra 3 cách giúp bạn kết nối sâu với phiên bản tốt nhất của mình.


Cách 1: Liên tục đặt câu hỏi đúng.

Không ngừng đặt những câu hỏi đúng cho bản thân. Bạn nên nhớ là câu hỏi cần phải đúng định hướng thì bạn mới có được câu trả lời mà mình đang tìm kiếm. 

Cũng như việc xác định những điểm yếu thay vì điểm mạnh mà Mit đã nêu ở trên thì việc đầu tiên bạn cần làm không phải là đặt ngay câu hỏi đúng, vì lúc này bạn chưa rõ đúng là như thế nào. Bạn đặt một câu hỏi bất kỳ, hoặc bắt đầu với những câu hỏi luôn đeo bám bạn. Ví dụ:

  • Vì sao mình lại kém may mắn đến vậy? Vì sao mình lại kém may mắn hơn người khác?

  • Vì sao cha mẹ lại không yêu thương mình như cha mẹ nhà người ta?

  • Vì sao mình không được học hành đàng hoàng như người ta?

  • Vì sao chỉ có mình là chịu khổ cực thôi vậy?

  • Vì sao ông trời lại bất công với mình như vậy?

Bạn hãy thử quan sát sâu ở đây, những câu hỏi đeo bám bạn không nguôi nhưng chưa bao giờ cho bạn động lực để tiến lên phía trước. Những câu hỏi này là những câu kiểu than thân trách phận đời bạt bẽo mà vô tình khi đặt ra bạn thì bạn đã phó thác số phận của mình cho ông trời.

Nhưng con người chúng ta luôn có cái gọi là tự do ý chí để có quyền đưa ra sự lựa chọn và quyết định xem nên làm gì và không nên làm gì. Vậy thì quay lại cho những câu hỏi chưa đúng. Bạn cần thay đổi góc nhìn của mình để đặt được một câu hỏi đúng. 

Bạn biết không, chỉ cần một câu hỏi đúng thôi là bạn có thể thay đổi hoàn toàn tư duy của mình rồi.

  • Thay vì ước cuộc sống dễ dàng hơn, thì hãy ước tôi có nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. 

Hoặc bạn có thể đặt sâu các câu hỏi liên quan đến đứa trẻ bên trong thông qua 25 câu hỏi giúp bạn hiểu hơn về bản thân mình


Cách 2: Kích hoạt trực giác

Có thể nói trực giác là độ nhạy của bạn giúp bạn đưa ra những quyết định quan trọng thông qua việc cảm nhận sâu. Nó đóng vai trò như một chiếc ăng-ten cảm xúc và nhận thức vậy. Để trực giác bạn phát triển, bạn cần đánh thức toàn bộ 5 giác quan cơ bản đó là mắt, tai, mũi, miệng, và cơ thể mình. Trực giác, nói một cách khác thì chúng ta còn gọi đây là giác quan thứ 6. Trong Phật giáo thì gọi đây chính là ý niệm. 

Trực giác không phải là điều gì cao siêu mà chính xác là khả năng phán đoán cá nhân bạn đối với bất kỳ tình huống nào đến với cuộc sống. Bạn có khả năng nhận định được chiều thuận và chiều nghịch của câu chuyện để đưa ra được kết luận đúng.

Trực giác chính là sự đúc kết từ những kinh nghiệm sâu dày mà bạn đã liên tục trải qua, nó thấm sâu vào não và máu bạn. Nó cũng giống như việc bạn liên tục rèn luyện một kỹ năng thể thao nào đó không ngừng nghỉ trong nhiều năm, thì chắc chắn phản xạ của bạn sẽ cao hơn người không luyện tập.

Để kết nối được với ý - giác quan thứ 6 của bạn, bạn cần bắt đầu với điều cơ bản nhất - mắt, nhìn nhận vấn đề.

Đôi mắt trần thịt này được sinh ra không phải để bạn chỉ nhìn vào cái khuyết điểm, cái xấu của vấn đề và rồi đưa ra kết luận không chính xác. Đôi mắt này còn có thể làm điều xa hơn nữa, nhưng cần sự luyện tập.

Mỗi lần bạn gặp phải một vấn đề nào đó trong cuộc sống, hãy tập nhìn sự việc bằng cả hai chiều cứ như “nói đi thì cũng nói lại”, “nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”.

Đừng để cái nhìn phiến diện của bạn ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy và lột ra phiên bản tốt nhất của bạn.

Có được cái nhìn đúng đắn thì bạn mới có thể dẫn mình vào con đường tư duy đúng đắn, mà có tư duy đúng đắn thì bạn mới phát ngôn đúng và hành động đúng. 

Đây chính là 4 con đường chuyển hóa trong Bát chánh đạo của Phật giáo: chánh kiến (nhìn đúng), chánh tư duy (suy nghĩ đúng), chánh ngữ (nói đúng), chánh nghiệp (hành động đúng). Bạn có thể nghiên cứu thêm về bốn con đường còn lại là chánh mạng, chánh tinh thấn, chánh niệm, chánh định.

Nguồn: Bát Chánh Đạo là gì.

Bắt đầu với việc nhìn sâu, nhìn nhiều chiều chắc chắn bạn sẽ đẩy bản thân mình lên được một bậc và tiến dần đến sự thông thái.


Cách 3: Ghi chép có phương pháp

Ở phương Tây, các học sinh và sinh viên rất chuộng việc viết journal thay cho viết nhật ký. Về khái niệm thì cả hai loại hình ghi chép này khá giống nhau nhưng theo cái hiểu của Mit thì nhật ký đơn giản là để viết xõa những gì đã diễn ra trong ngày của bạn vào cuối ngày, còn journal thì rộng hơn một chút, nó bao gồm cả việc lên kế hoạch và đánh giá bản thân.

Nhật ký là nơi bạn có thể trút xả bầu tâm sự của mình, nơi bạn sống thật lúc về đêm. Nhưng việc chuyên viết nhật ký liên tục và thuận theo cảm xúc của mình không hẳn là cách đúng đắn để đẩy bạn về phía tích cực tiến lên phía trước.

Bạn cần viết một cách có khoa học hơn. Viết với sự quán chiếu (review) bản thân và thiết lặp mục tiêu thực hiện.

Có thể lúc bắt đầu, bạn sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:

  • Bạn rất háo hức với công việc mới này, bạn hăng say liệt kê một hàng dài danh sách các mục tiêu mà bạn muốn làm. Nhưng rồi bạn lại thấy bế tắc hơn khi không thể hoàn thành được các mục tiêu ấy, vì chúng quá khó và bạn lại chưa nhìn thấy lộ trình rõ ràng.

  • Bạn nhìn mãi vào trang giấy trắng và khó lòng biết được nên bắt đầu từ đâu. Và vì khó nên bạn trì hoãn rồi cho qua.

Để bắt đầu đúng, bạn cũng có thể viết ra một danh sách dài mong muốn của bạn vào giấy. Bước kế tiếp là bạn sắp xếp chúng lại theo thứ tự ưu tiên. Ở đây có một vài mục ưu tiên mà bạn có thể cân nhắc sắp xếp tùy chọn theo mục đích hiện tại của bạn.

  • Việc cần làm ngay. Này là việc gấp, nó có thể có giá trị hoặc không. Nhưng gấp và thiết yếu cần hoàn thành ngay.

  • Việc quan trọng và rất cần thiết. Thường danh sách mục tiêu ở mục này thường tốn nhiều thời gian đầu tư của bạn hơn. Bạn cần chia nhỏ hơn sau khi viết một mục lớn ở đây. Ví dụ: bạn muốn học tiếng anh. Đây là mục tiêu cần một lộ trình dài và rõ ràng kèm với sự nhất quán đều đặn mỗi tuần của bạn. Nếu mục tiêu này chưa phải là cấp bách, bạn hãy thiết lập deadline cụ thể cho nó hoặc những cột mốc quan trọng bạn cần đạt cho từng cấp độ học của mình.

  • Việc linh tinh nhưng cần thiết. Có nhiều việc rất linh tinh diễn ra trong ngày, hoặc những việc thật sự không tốn chất xám của bạn nhưng lại đóng vai trò “không thể không có được” thì bạn hãy liệt kê xuống và thực hiện chúng trong lúc bạn tuột mood nhất. Chúng ta đôi khi không thể tập trung cao độ mỗi ngày được, hoặc có những ngày ảnh hưởng bởi chu kỳ trăng nên cảm xúc trồi sụt thì bạn cũng đừng để những ngày này trôi qua lãng phí. Hãy dùng những ngày này để làm những việc nhẹ nhàng nhưng vẫn có ích.

Ngoài việc liệt kê những mong muốn bạn muốn có trong cuộc sống này rồi thì điều thứ hai bạn cần ghi chép đó là sự quán chiếu bản thân. Sự quán chiếu này bao gồm nhiều mục, bạn có thể chọn ngẫu nhiên theo cảm hứng của mình để viết. Mặc dù bạn không cần gượng ép mình cần viết hết toàn bộ những mục này vào quyển journal mỗi ngày nhưng bạn cũng không được bỏ ngày nào (đặc biệt là trong 30 ngày đầu tiên khi bạn bắt đầu).

  • Ba điều bạn muốn nói cảm ơn. Vì nếu không có ba điều này thì cuộc sống của bạn đã không được như ngày hôm nay (con người, đồ vật, sự việc).

  • Một việc làm khiến bạn trở thành một người có giá trị. Ví dụ như toàn tâm toàn ý cho công việc mình đang đảm nhiệm, chủ động giúp đỡ đồng nghiệp, bạn học, cha mẹ mình.

  • Điều rút kinh nghiệm. Ở chỗ này, bạn cần chiêm nghiệm sâu hơn thay vì chỉ nghĩ đây là bài học cần rút kinh nghiệm. Liệt kê cụ thể một chút bằng lời về bài học này. Đúc kết lại, bạn được gì?

Việc kết hợp mục tiêu và quán chiếu trong quyển journal của mình, bạn có thể chủ động quan sát nội tâm mình một cách có bài bản hơn. Chỉ cần xây dựng nền móng cho chắc chỗ này, thì bạn có thể kích hoạt thêm sự sáng tạo trong hành trình quay vào bên trong này.

Tóm lại.

Đây là ba phương pháp dễ dàng tiếp cận nhất và cũng là ba phương pháp Mit áp dụng đầu tiên khi bắt đầu quay vào bên trong để hiểu mình nhiều hơn. Đến hiện tại, Mit vẫn luyên duy trì đều đặn việc đặt câu hỏi, quan sát tỉ mỉ, và ghi chép có định hướng cho cá nhân mình mỗi ngày. 

Bạn có thể đọc thêm bài viết Mình đã thay đổi như thế nào sau 45 ngày viết nhật ký để thấy được sự chuyển hóa bên trong của Mit để bạn hình dung rõ ràng hơn hoặc cơ bản là Nhật ký và quá trình tìm về tự thân

Bạn hãy siêng năng luyện tập ba cách này, nó giúp bạn quay trở lại đường ray cuộc sống hiện tại thay vì mãi mắc kẹt trong những suy nghĩ nghi ngờ bản thân (self-doubt).

Hãy nhớ, trước khi tìm thấy phiên bản tốt nhất của mình, chúng ta cần kết nối được với phiên bản hiện tại. Vì phiên bản hiện tại là con đường duy nhất.

Bạn thực hành được cách nào rồi thì bình luận bên dưới chia sẻ cùng Mit nha, Mit sẽ chia sẻ và hướng dẫn thêm cho bạn.


Về Tác giả:


Các Bài Viết Hữu Ích Khác. Đừng Bỏ Lỡ!

See this gallery in the original post