Hiểu rõ bản thân mình làm tăng chất lượng mối quan hệ của bạn.
Vì sao việc hiểu rõ bản thân lại làm tăng chất lượng mối quan hệ?
Tiêu điểm bài viết:
Với một ít thời gian tự quán chiếu (self-reflection), nhiều người nhận ra rằng họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tự nhận thức bản thân (self-awareness).
Biết rõ về bản thân mình làm giảm các cảm giác lo âu, căng thẳng đồng thời thúc đẩy chất lượng mối quan hệ lên cao.
Khi bạn hiểu rõ về bản thân mình, người yêu của bạn cũng sẽ hiểu bạn một cách chính xác hơn, và họ có cơ hội đến gần bạn hơn.
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho 10 người tham gia lựa chọn giữa việc hoặc là ngồi một mình với suy nghĩ của họ hoặc là bị sốc điện thì có 4 người đã chọn việc bị sốc điện (40%) (Wilson et al., 2014). Thế nên, ta có thể thấy khi phải đối mặt với chính mình đáng sợ hơn nhiều so với nỗi đau gây ra từ ngoại tố. Thay vì dành thời gian để nhìn vào những vấn đề đang diễn ra bên trong (suy nghĩ, lo lắng, mong muốn, mối quan hệ…) thì phần lớn lại chọn việc bị sốc điện. Vì đối với nhiều người thì việc ngồi yên đối mặt với nội tâm lại đau đớn hơn nhiều so với việc bị sốc điện. Không ngạc nhiên lắm khi kết quả nhận được rằng nhiều người không thật sự hiểu rõ bản thân mình như họ vẫn nghĩ.
Một khi bạn thiếu đi sự thấu hiểu bản thân, bạn sẽ không nhìn rõ tổng quan bức tranh - và không phải chỉ mỗi mình bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả một mình mà mối quan hệ của bạn cũng vậy.
1. Hiểu rõ bản thân là gì?
Khái niệm “hiểu bản thân” hay “sự tự nhận thức” miêu tả về khả năng thấu hiểu của bạn về toàn bộ các khía cạnh từ tư duy, lời nói, hành động, cảm xúc nằm sâu bên trong tâm hồn mình. Chúng có hình dáng, màu sắc và tên gọi như thế nào để khi hợp nhất lại thì chúng trở thành bạn, chính bạn. Những điều mà bạn luôn ưu tiên trong cuộc sống của mình là gì, những điều răn mà bạn không bao giờ được vi phạm là gì, những ranh giới mà bạn đặt ra để bảo vệ mình là gì. Tất cả câu trả lời sẽ được hé lộ khi bạn dành sự chuyên chú lắng nghe và quan sát cách thức hoạt động não bộ của mình một cách nhất quán. (Đọc thêm: Mình Đã Thay Đổi Như Thế Nào Sau 45 Ngày Viết Nhật Ký?).
Đây là chìa khóa quan trọng cho bất kỳ một mối quan hệ lành mạnh nào và nó có thể mang đến rất nhiều điều bất ngờ như khả năng yêu bản thân, tăng sức mạnh trực giác, tăng sự tự tin và giao tiếp tốt hơn. Tất cả điều này giúp bạn tạo được một màn lọc tự nhiên để lọc ra các mối quan hệ độc hại, những người không xứng đáng và chỉ còn lại những mối quan hệ lành mạnh, đáng được nuôi dưỡng và giúp bạn phát triển hơn.
2. Hiểu rõ bản thân làm giảm các cảm giác lo âu, căng thẳng, sợ hãi.
Hiểu rõ bản thân là kim chỉ nam dẫn bạn đến con đường yêu thương chính mình. Bạn biết rõ giấc mơ, mong muốn, mục tiêu, cảm xúc của mình trong từng chặng đường mà bạn đi qua. Việc nghi ngờ bản thân (self-doubt) sẽ được giảm đi đáng kể nếu bạn có thể làm tăng lên sự tự tin. Thông qua việc dành thời gian ghi chép, làm việc với cái bóng đen của mình, đối diện với bản thân một mình bạn sẽ có thể biết đâu là sức mạnh thật sự. Bạn chỉ thật sự kiên cường, mạnh mẽ khi biết điểm yếu của bạn là gì và học cách chấp nhận chúng. Bạn là cơ hội duy nhất và là con đường đúng đắn nhất để hiểu bản thân mình thay vì cứ mãi mê đi xin lời khuyên từ người khác (và đa phần bạn sẽ không đồng tình hoặc không làm theo).
Tự tin vào bản thân khiến bạn độc lập và vững bước hơn trên mọi hành trình mà bạn đi qua. Đối với mối quan hệ cũng vậy, bạn hiểu rõ bản thân nên bạn không để suy nghĩ và cảm xúc của mình phụ thuộc vào mối quan hệ. Bạn độc lập tự chủ nên bạn có thể nâng lên được và buông xuống được. Ngoài yếu tố mối quan hệ, cuộc sống của bạn còn nhiều điều khác ý nghĩa hơn mà bạn có thể tự thân tận hưởng.
Ngược lại với sự lo lắng, việc hiểu rõ bản thân khiến bạn tự tin hơn vào mối quan hệ. Bạn mở lòng hơn, không còn phải đeo những chiếc mặt nạ cảm xúc với mục đích làm hài lòng đối phương. Mối quan hệ của bạn từ đó cũng được nuôi dưỡng.
3. Việc hiểu rõ bản thân là kim chỉ nam đưa mối quan hệ vào con đường phát triển lành mạnh.
Một trong những mục tiêu đưa một mối quan hệ đi đến sự cam kết đó là cả hai cần là hai ánh trăng tròn đầy, tự thân hạnh phúc thay vì là hai nửa vầng trăng khuyết tìm kiếm sự hạnh phúc từ đối phương như những quan điểm hạnh phúc được truyền miệng từ trước đến nay. Vì một khi sự phụ thuộc từ một bên xuất hiện, sự mệt mỏi sẽ xuất hiện ở bên còn lại và mối quan hệ của bạn sẽ luôn bị đe dọa (dù cho đối tượng thứ ba có thật sự xuất hiện hoặc chưa hề xuất hiện).
Việc hiểu rõ bản thân giúp bạn xây dựng một tình yêu đối với bản thân mình trước (self-love), và tình yêu tự thân này khiến bạn trở thành một người có giá trị, đáng được trân trọng và yêu thương. Bạn không đòi hỏi tình yêu thương từ mối quan hệ của mình, vì tự thân bạn luôn biết tình yêu thật sự đến từ đâu. Sự tự tin và độc lập của bạn nhiều hay ít phụ thuộc vào bạn hiểu rõ bản thân mình bao nhiêu phần trăm. Bạn không biết rõ bản thân mình muốn gì, cần gì, lý tưởng hạnh phúc là gì thì bạn sẽ không bao giờ làm chủ được tư duy, lời nói, hành động của mình. Tất cả sẽ bị phụ thuộc vào ngoại tố.
Một mối quan hệ lành mạnh được xuất phát từ quan điểm về hạnh phúc của cả hai có điểm tương đồng, và cả hai có lý tưởng riêng để theo đuổi. Cả hai bạn như hai vầng trăng tròn đầy, đứng bên cạnh nhau để cùng nhau tỏa sáng. Tuy nhiên, cuộc sống cũng có những lúc thăng trầm, ánh sáng của một trong hai bạn có lúc sẽ bị nhòe đi và cần sự nâng đỡ từ người còn lại. Thử hỏi nếu bình thường bạn đã không có đủ ánh sáng soi rọi cuộc đời mình thì làm sao bạn có đủ ánh sáng để chiếu sáng cho người mình thương?
Một mối quan hệ có thể phát triển bao lâu và bao xa phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng ở nơi hai bạn. Và việc thắp nên ngọn lửa ấy xuất phát từ việc bạn hiểu rõ bản thân mình bao nhiêu, khả năng tự giải quyết nguồn năng lượng tiêu cực của mình như thế nào, khả năng tự chữa lành của bạn có cao không, và cả hai bạn có cùng lý tưởng sống hay không.
Hãy dành thời gian đi sâu vào nội tâm của mình trước khi muốn thấu hiểu bất kỳ ai. Đó chính là kim chỉ nam cho việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. (Đọc thêm: Nhật Ký Và Quá Trình Tìm Về Tự Thân).
Đăng ngày: 03.08.2022
Về Tác giả:
Trích nguồn tham khảo:
Bureau of Labor Statistics, U.S. Department of Labor (2016). American time use survey. https://www.bls.gov/tus/charts/leisure.htm
Wilson, T. D., Reinhard, D. A., Westgate, E. C., Gilbert, D. T., Ellerbeck, N., Hahn, C., … Shaked, A. (2014). Just think: The challenges of the disengaged mind. Science, 345(6192), 75–77.