Mình Đã Thay Đổi Như Thế Nào Sau 45 Ngày Viết Nhật Ký?
Việc viết nhật ký đối với nhiều bạn mà nói thì được xem là mất thời gian và bạn thường bị lười khi phải cầm bút lên rồi lại không biết phải viết điều gì. Hơn nữa, bạn ngại việc viết nhật ký là do ngại ngùng đối diện với những dòng cảm xúc thật sự bên trong tâm hồn mình, nhiều khi viết nhật ký còn bị xem là vô bổ và kiểu những người chuẩn bị trầm cảm thì mới làm điều này.
Có nhiều lý do để bạn né tránh việc viết nhật ký, nhưng trong đó có lý do nào để bạn thử cầm bút lên và tập viết trong một, hai lần chưa? Nếu bạn chưa bao giờ thử, bạn sẽ chẳng thể nào biết được điều đó thật sự là tốt hay không tốt. Mit sẽ chia sẻ với các bạn những điều Mit đã thay đổi sau thời gian ngắn duy trì viết nhật ký trong 45 ngày. Nào mình cùng tìm hiểu nhé!
1. Hiểu Và Chấp Nhận Bản Thân
Hằng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra xung quanh bạn. Bạn đi học, bạn đi làm, bạn gặp gỡ những người bạn mới, bạn hẹn hò với một anh chàng đẹp trai, bạn tiếp xúc với rất nhiều người và mỗi ngày đều mang đến cho bạn một câu chuyện vui vẻ hoặc một mâu thuẫn mới mà bạn cần chiêm nghiệm để giải quyết.
Khi đối diện với những con người hay những vấn đề đó, phản ứng cảm xúc của bạn thường là gì và bạn chọn cách đối diện như thế nào?
Có thể, bạn sẽ chọn cách trung thực với cảm xúc của mình lúc đó, bạn sẽ chọn nói ra hết cảm giác và suy nghĩ trong lòng. Tuy nhiên, trong một tích tắc nào đó, não bạn lại cho bạn biết rằng là không nên, vì những lời nói của bạn có thể làm tổn thương người nghe, mâu thuẫn không được giải quyết mà còn làm méo mó mối quan hệ hơn. Cuối cùng, bạn dằn lòng nén lại những suy nghĩ và cảm xúc đó rồi im lặng.
Trên đường về nhà, những câu nói giả định mà bạn định nói hay những hình ảnh đáng lẽ đã xảy ra luôn diễn ra trong đầu bạn. Đến lúc tối ngủ, bạn trằn trọc suy nghĩ đến mệt mỏi mà cũng không có cách giải quyết rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, mọi chuyện tưởng chừng sẽ khá hơn nhưng thật ra bạn vẫn chưa suy nghĩ xong việc đối mặt với sự việc đó tiếp theo như thế nào. Vòng lặp suy nghĩ lại diễn ra khiến bạn không thể tìm được lối thoát.
Thử tua lại một chút về lại thời gian trước khi bạn đi ngủ. Thay vì bạn cứ tự suy diễn mọi thứ trong đầu, bạn hãy viết xuống mọi thứ, tất cả những gì bạn đã muốn bày tỏ với người làm bạn tổn thương. Sau một hồi viết tuôn tràn, bạn sẽ thấy thật sự nhẹ nhõm hơn rất nhiều, tin Mit đi, bạn sẽ không ngờ đến sự hiệu nghiệm của việc này. Vấn đề cốt lõi của bạn là bạn không được bày tỏ cảm xúc của mình, bạn thừa biết khi tức giận thì không nên nói gì, điều đó là tốt nhưng kiềm nén cảm xúc không phải là cách.
Bạn hãy trung thực với những cảm xúc của mình, dù cho đó là tiêu cực hay tích cực. Bởi vì, sau khi nhu cầu bày tỏ của bạn đã được đáp ứng, bạn sẽ quay về trạng thái thực tại, bạn không còn nghĩ về những điều vừa xảy ra nữa. Thực tại giúp bạn bình tĩnh, thực tại không có những cuộc cãi vã trong quá khứ.
Và hãy nhớ, việc ghi lại cảm xúc thấy thế nào đối với một sự việc hay con người nào đó làm bạn mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ. Không gì phải xấu hổ khi cần phải khóc cả.
2. Tự Tin Hơn Vì Biết Rõ Những Suy Nghĩ Và Cảm Xúc Ẩn Sâu Bên Trong Tâm Thức
Là phụ nữ, bạn có quyền được yếu đuối, bạn không cần phải tỏ ra mạnh mẽ và nuốt nước mắt ngược vào trong. Khi bạn biết mình là người phụ nữ nhạy cảm và hay dễ bị tổn thương bởi những lời nói vu vơ của người khác thì hãy học cách chấp nhận nó và biến điểm yếu của mình thành điểm mạnh vô giá của bản thân.
Khi bạn viết xuống những cảm xúc của mình rồi đọc lại, bạn sẽ nhận ra rằng mình đã nhạy cảm quá mức thế nào, bạn sẽ biết rằng lẽ ra không nên như vậy vì chuyện thật ra cũng chẳng có gì đáng kể.
Bạn có thể đọc lại ngay sau khi viết, hoặc một thời gian nào đó khi bạn cảm thấy thoải mái hơn, tốt nhất là khi bạn không còn cảm giác ruột gan nóng như lửa đốt khi nghĩ về sự việc nữa, lúc này bạn đã đủ tỉnh táo để đón nhận và phân tích nhiều mặt của sự việc và tìm cách cải thiện chúng.
Khi bạn đang nóng giận, bạn không nên nghĩ gì nhiều vì càng nghĩ càng rối. Lúc này, rất nhiều hình ảnh vụn vỡ gắn trên những chiếc bong bóng bay lung tung trong đầu bạn, bạn không có cách nào thấy rõ những hình ảnh đó là gì mà chỉ có một cảm giác khó chịu vây quanh, vậy thì hãy nắm những sợi dây bong bóng đó xuống bằng cách viết chúng ra tất cả.
Bạn thoải mái tuôn trào cảm xúc đúng như bản năng của một con người vậy, nhưng điều quý giá ở đây là những lời nói đó sẽ được giấu nhẹm đi và nó sẽ không làm tổn thương ai cả.
Có một điều, hãy viết cuối cùng sau khi tuôn xả đó là “Tôi xin lỗi vì đã có những suy nghĩ tiêu cực như vậy, thân và tâm này hãy tha lỗi cho tôi đi nhé vì tôi đã có những cảm xúc khiến cho ruột gan chịu cảnh nóng như lửa đốt. Tôi cám ơn vì thân và tâm tôi đã ngồi yên một chỗ không cho phép tôi làm những việc điên rồ. Tôi yêu quý tất cả”.
Vì sao ở đây chỉ toàn là xin lỗi và cảm ơn bản thân? Đơn giản vì chỉ khi bạn biết yêu thương bản thân bạn, bạn tự tha lỗi được cho chính mình, cảm giác dằn vặt của bạn sẽ tự động tan biến. Tâm bạn sẽ được giải thoát khỏi day dứt, bạn sẽ biết cách đối mặt với những vấn đề tương tự như vậy nếu mảy may nó lại đến với bạn một lần nữa.
3. Định Hình Rõ Được Những Suy Nghĩ Và Duy Trì Những Ý Tưởng Bất Chợt
Não của chúng ta dường như chưa bao giờ ngừng hoạt động. Chúng ta luôn luôn bị bao vây bởi hàng trăm nghìn, hàng triệu những suy nghĩ diễn ra liên tục trong đầu. Chúng giống như một trang sách bị xé vụn ra thành nhiều mảnh mà mỗi khi đọc vào chỉ càng làm ta rối rắm thêm mà chẳng bao giờ hiểu được câu chuyện từ đầu đến đuôi. Não bộ của chúng ta rất lạ lẵm, khi làm việc thì ta lại muốn đi chơi thư giãn không suy nghĩ gì cả, vậy mà khi được đi chơi rồi đầu ta lại luôn nghĩ về mớ giấy tờ hỗn độn nằm ở góc văn phòng không rõ là đã được sắp xếp ổn thoả chưa.
Thế nên, đừng để những suy nghĩ ấy bay mãi trong đầu như vậy mà không giúp ích được gì cho chúng ta cả.
Hãy viết mọi thứ xuống. Ban đầu, bạn sẽ chỉ viết được những câu văn ngắn ngủn không có ý nghĩa hoặc những câu thể hiện cái cảm xúc của bạn nhưng không đến nơi đến chốn. Rồi thì sao, chuyện đó cũng đâu có gì to tát. Sau khoảng vài tuần viết liên tục, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình có thể thu về. Các câu từ dài hơn, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, còn có cả các tính từ và trạng từ đi kèm để diễn tả rõ ràng các trạng thái. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho việc hiểu chính mình. Bạn có thể diễn tả bản thân một cách chi tiết hơn rồi đấy.
Bạn hãy viết mọi lúc mọi nơi, hãy sắm cho mình một quyển sổ size A6 vừa đủ bỏ vào trong mọi kích cỡ túi của bạn. Hơn nữa, hãy chọn bìa quyển sổ nào hợp với gout của bạn để bạn không nỡ bỏ chúng ở nhà.
Vì ý tưởng là bất chợt, mà bất chợt thì thường là trời cho. Nó luôn là những ý tưởng mới mẻ hơn là việc bạn dành thời gian ngồi thẩn thơ cả ngày mà không nghĩ ra được thêm điều gì khác lạ. Lúc này, việc của bạn là ghi lại những từ hiện lên trên mảnh giấy vụn suy nghĩ ấy. Có thể nó chưa được hình thành rõ ràng đâu, nhưng chỉ cần một từ khoá thôi cũng có thể giúp bạn bức phá rồi. Khi có thời gian, hãy xem lại và vẽ thêm các tính từ, chủ từ, trạng từ để hoàn thành câu văn cho từ khoá đó. Thế là bạn đã có thêm một câu chuyện để làm cuộc sống bạn nhiều màu sắc hơn.
4. Tăng Khả Năng Sử Dụng Ngôn Từ
Nếu bạn là một người gặp khó khăn trong việc giao tiếp với con người, bạn không nhanh nhạy trong việc xử lý tình huống thì bạn càng nên tập viết nhật ký ngay hôm nay.
Bạn có thể gọi cuốn nhật ký của mình khác đi bằng cách đặt tên cho nó. Việc này làm quyển nhật ký của bạn mang cái hồn riêng mà bạn thổi vào, nó có tên, nó là quyển tiểu thuyết mà bạn là nhân vật chính. Riêng Mit, quyển nhật ký của Mit có tên là “Sổ Tay Hạnh Phúc” (tên ban đầu của nó là “My Personal Dictionary”), Mit dùng nó để viết rất nhiều thứ diễn ra trong một ngày và mọi lúc, có thể là buổi sáng mới ngủ dậy, có thể là một thời gian rãnh rỗi trong lúc nghỉ giải lao buổi xế chiều, hoặc là trước khi đi ngủ.
Thói quen ghi chép sẽ mang đến cho bạn những hiệu quả bất ngờ, bạn không còn gặp vấn đề khi đang nói chuyện mà lại quên bẵng đi cái tính từ mà mình định dùng để miêu tả câu chuyện, chắc ai cũng đã từng trải qua vấn đề này nhiều lần trong đời mà phải không? Nó thật sự giúp ích cho kỹ năng giao tiếp và thuyết trình của bạn nữa đấy.
Hành động viết tay truyền thống giúp cho não bộ bạn hoạt động có tính trật tự hơn nhiều so với việc đánh máy. Bởi vì tốc độ viết tay chậm hơn so với đánh máy, nó có một độ trễ nhất định để bạn định hình được toàn bộ câu từ trong đầu trước khi câu chữ được hiện lên trang giấy. Ngoài ra, nó còn giúp bạn nhớ lâu hơn rất nhiều.
5. Không Bỏ Lỡ Những Vấn Đề Quan Trọng
Có khi nào bạn rơi vào hoàn cảnh là quên mất đi một việc quan trọng gì đó mà trong ngày bạn tự nhủ bản thân rằng sẽ phải làm vào buổi tối trước khi đi ngủ không? Mit nghĩ ít nhiều gì thì bạn cũng đã trải qua ít nhất một lần gì đó trong thời gian ngắn trở lại đây.
Não của chúng ta dường như lúc nào cũng nằm trong tình trạng quá tải, theo các nghiên cứu khoa học thì con người chúng ta chỉ sử dụng tối đa được 10% công suất của toàn bộ kích thước não mà thôi. Một ngày có nhiều thông tin sẽ làm bạn bị ngộp và có lúc bạn sẽ thấy tất cả thông tin đều quan trọng, bạn chẳng bao giờ muốn bỏ qua điều gì.
Ai đó nhờ xin bạn giúp đỡ nhưng bạn lại vô tình quên mất rồi xui thay lại gặp ngay người hay im lặng mà không thông cảm cho bạn thì vô tình hình ảnh bạn trong mắt họ trở thành người không biết giữ lời hứa. Mit hiểu rằng bạn không muốn quên đâu, chỉ là bạn không nhớ nổi còn việc gì mà mình chưa làm rồi thôi đi ngủ cho khoẻ.
Đừng để bản thân bạn bị đóng mác thất hứa một cách vô duyên như vậy, bởi vì bạn có thể làm được, nhưng sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng thì bạn không còn đủ sức để ghi nhớ nữa.
Vậy thì hãy viết xuống nào! Những ngày đầu tiên bạn sẽ còn cần ghi chép liên tục vì não bạn chưa quen với việc này. Nhưng dần rồi, nó sẽ tự động chuyển sang chế độ “tự nhớ” một cách kỳ diệu. Bạn sẽ đưa mình trở lại thế chủ động, không còn bị công việc điều khiển bạn nữa. Chỉ cần làm được điều này, xem như bạn đã sống rất chủ động rồi đấy!
Tổng kết
Sau 45 ngày Mit viết nhật ký, Mit nghiệm ra được rất nhiều điều hay ho trong cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ nhặt Mit vô tình thấy qua Mit cũng ghi chép lại bởi vì không chừng chúng lại là những điều truyền cảm hứng vô giá mà Mit sẽ cần trong một ngày nào đó bị kẹt không nghĩ được điều gì.
Có một điều các bạn chắc chắn sẽ quan tâm đó là bạn luôn đắn đo không biết nên cất giữ nhật ký ở đâu vì sợ người khác đọc nhật ký của mình. Mit hiểu nhật ký là một điều vô cùng riêng tư và cực kỳ nhảy cảm của mỗi người, vì trong đó ghi lại toàn bộ những gì thầm kín bên trong bạn. Nhưng có một chiêu thức đó là “nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”, bạn hãy dùng nhật ký như một quyển sổ tay bình thường mà thôi, bạn không cần sắm cho mình những quyển sổ có ổ khoá đồ sộ đâu. Bạn biết đó, càng giấu kỹ thì chỉ khiến cho người khác càng tò mò mà thôi.
Sống là hãy chủ động, chủ động trong mọi suy nghĩ và cảm xúc. Bạn hãy bắt đầu sống với chính mình đi nào. Chúc bạn luôn hạnh phúc và hãy viết xuống mọi thứ ngay hôm nay nhé!
Khám phá những cách đơn giản nhưng hiệu quả để nuôi dưỡng tâm trạng tích cực và tìm lại niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.